Hiện cả nước có 765 đô thị các loại, trong đó có khoảng 100 đô thị là trung tâm kinh tế – xã hội quan trọng của các vùng miền. Về dân số đô thị, theo dự báo đến năm 2015 là 33,2 triệu người, đến năm 2020 là 42,6 triệu người (chiếm 46,7% dân số cả nước). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ với tốc độ phát triển đô thị, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị.
Theo định hướng phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn đô thị thì đến năm 2020, hệ thống cấp nước đô thị phải đạt một số mục tiêu: tỷ lệ bao phủ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%, đô thị loại V đạt 70%, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn theo quy định. Về thoát nước đô thị, đến năm 2020 các đô thị loại III trở lên có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; nâng tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt chuẩn quy định lên 60%. Tại các đô thị loại IV, V phải đảm bảo 40% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn.
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 85.000 tỷ đồng, giai đoạn 2015 – 2020 khoảng 70.000 tỷ đồng. Với lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, giai đoạn 2011 – 2015 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng các hệ thống xử lý chất thải rắn khoảng 28.800 tỷ đồng; giai đoạn 2015 – 2020 khoảng 31.300 tỷ đồng. Nhu cầu vốn để khai thác hệ thống thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị giai đoạn 2013 – 2020 lên tới 145.581 tỷ đồng (trong đó lĩnh vực xử lý nước thải đô thị là 65.536 tỷ đồng, lĩnh vực thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn đô thị là 80.045 tỷ đồng). Đây là những số vốn rất lớn, cần sự tham gia của các thành phần kinh tế cùng đầu tư, duy trì và quản lý hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
Để giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thủ tục hành chính thông thoáng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và quản lý hệ thống cấp thoát nước và xử lý chất thải sinh hoạt đô thị.
Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể để huy động vốn như sau: Nhà nước cần sửa đổi hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng vốn đầu tư từ ngân sách. Bổ sung cơ chế để tạo lập và phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi. Các dự án lĩnh vực này phải được hưởng mức vay vốn và lãi suất ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất vay vốn từ các tổ chức tín dụng ngoài nhà nước.
Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ sau đầu tư đối với các dự án đầu tư của các thành phần kinh tế huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện dự án. Mức hỗ trợ sau đầu tư được xác định trên cơ sở đảm bảo đủ bù chênh lệch giữa lãi suất vay vốn đầu tư của tổ chức tín dụng và lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Khuyến khích các hình thức hợp đồng xây dựng – vận hành – sở hữu (BOO); xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT). Đặc biệt khuyến khích mô hình đầu tư đối tác công – tư (PPP) trong xây dựng nhà máy cấp nước sạch, xử lý chất thải đô thị.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ theo nguyên tắc đảm bảo thu đủ bù chi cộng lãi suất hợp lý; thời gian trợ giá đối với sản phẩm căn cứ vào thời điểm dự án bắt đầu có sản phẩm và khả năng bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm được trợ giá; việc trợ giá sản phẩm của dự án được thực hiện thông qua chi trả bổ sung vào chi phí xử lý chất thải rắn đô thị theo điều kiện và thời gian trợ giá cụ thể do địa phương quy định.
Về người thụ hưởng dịch vụ cũng cần có nghĩa vụ đóng góp. Các địa phương căn cứ vào khung giá nhà nước để quy định giá nước sạch phù hợp với các đối tượng sử dụng và xây dựng lộ trình điều chỉnh giá nước sạch trên nguyên tắc xóa bỏ bù giá nước sạch từ ngân sách. Nhà nước quy định khung giá dịch vụ thoát nước làm cơ sở để các địa phương quy định mức giá cụ thể, đảm bảo đến năm 2020 giá dịch vụ nước sạch đủ chi phí quản lý, vận hành hệ thống.
Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh, cần coi trọng công tác cổ phần hóa trong đầu tư, vận hành, khai thác các công trình. Đẩy mạnh việc chuyển nhượng quyền quản lý, quyền sử dụng một số công trình do Nhà nước đầu tư (cấp nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị) cho các thành phần kinh tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi từ ngân sách.
Xem thêm:
- Thi công hệ thống cấp thoát nước.
- Thiết kế hệ thống cấp thoát nước cho nhà cao tầng.
- Hệ thống xử lý nước 3 triệu USD.