Phó chủ tịch TP HCM: “Không đảm bảo nguồn nước sạch cho dân, cán bộ nên từ chức”

14/01/2015

Bức xúc trước việc hàng trăm nghìn hộ dân không được sử dụng nguồn nước sạch, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu khẩn trương lắp đặt, xây dựng các bồn chứa, bể chứa ở những nơi chưa thể kéo đường ống nguồn nước sạch đến.

Tại cuộc họp của UBND TP HCM với các sở, ngành và quận, huyện về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn ngày 14/11, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín phê bình sự thờ ơ của lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành trong việc giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân.

Theo báo cáo của các sở ngành, gần 100% hộ dân ngoại thành TP HCM dùng nước hợp vệ sinh, nhưng Phó chủ tịch Tín cho biết không tin vào con số này vì đi kiểm tra thực tế 5 hộ dân ở huyện Hóc Môn và quận 12 thì 3 hộ sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm. “Nói nước hợp vệ sinh mà khi đi kiểm tra tôi yêu cầu uống thử để xem thế nào thì không ai dám uống. Tôi uống thử thì thấy ngay là không thể nói đảm bảo vệ sinh được vì nước có mùi tanh, chua, nhiễm phèn”, ông Tín nói.

“Đã khi nào các đồng chí xuống nhà người dân để kiểm tra bà con đang dùng nước gì không? Tôi đi kiểm tra một số quận huyện, khi hỏi cụ thể về thực trạng nước sạch ở các khu dân cư, từ lãnh đạo quận, huyện xuống phường, xã rồi khu phố cũng không biết nhà nào đã có nước sạch, nhà nào chưa có. Quản lý vậy thì sao bàn được giải pháp? Mình làm chính quyền, mình phải biết người dân dùng nước gì để còn mà lo chứ”, ông Tín bức xúc.

image001 Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín chủ trì cuộc họp về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn ngày 14/11. Ảnh: T.X.

Theo phó chủ tịch, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố, nhất là ở các huyện ngoại thành rất cấp thiết, nhưng thời gian qua, sự phối hợp giải quyết giữa Sở Giao thông Vận tải, các quận huyện, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) còn rất chậm. Trách nhiệm chính trước hết thuộc về Sở Giao thông Vận tải với vai trò điều phối, quản lý nhà nước.

Vì vậy, ông Tín yêu cầu trong vòng 2 tháng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế và UBND các quận huyện khảo sát, tổng điều tra số hộ dân chưa có nguồn nước sạch để lập kế hoạch đưa nguồn nước đến từng khu vực dân cư, đảm bảo chất lượng và giá nước sạch giữa nội thành và ngoài thành như nhau. Sau khi có số liệu khảo sát, Sở Giao thông phải có kế hoạch chi tiết về lộ trình đầu tư theo từng năm, bắt đầu từ năm 2015 để cấp nước sạch cho từng khu vực cụ thể.

Trước mắt, ông Tín yêu cầu SAWACO phải khẩn trương lắp đặt, xây dựng các bồn chứa, bể chứa ở những nơi chưa thể kéo đường ống nước sạch đến. Nước ở bồn chứa, bể chứa phải đảm bảo chất lượng. Giá nước giữa nội thành và ngoại thành phải ngang nhau. Phần chênh lệch thành phố sẽ trợ giá.

“Những chuyện này mà các đồng chí không làm được nữa thì nên từ chức”, ông Tín yêu cầu.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, hiện trên địa bàn còn nhiều khu vực chưa có nguồn nước sạch, người dân còn sử dụng nước giếng khoan không hợp vệ sinh, nhiễm phèn, đục… Cụ thể như huyện Bình Chánh chỉ có 41,13% trong tổng số 139.648 hộ dân có nguồn nước của SAWACO, riêng xã Đa Phước ở huyện Bình Chánh vẫn chưa có nguồn nước sạch. Hoặc như xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè vẫn còn gần 500 hộ dân sử dụng nước giếng tự khoan. Còn tại quận 12 nơi có 125.000 hộ dân, chỉ có khoảng 50% hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch của SAWACO, số còn lại sử dụng nước giếng khoan, có nơi nước bị ô nhiễm nặng.

Tại huyện Củ Chi có 111.000 hộ vẫn chưa có nguồn nước sạch từ SAWACO mà hầu hết đều sử dụng nước giếng khoan. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Củ Chi bình quân mỗi xã đều có 2-3 nghĩa trang. Huyện lại có nhiều cơ sở chăn nuôi nên chất lượng nguồn nước giếng khoan của người dân sử dụng hàng ngày không đảm bảo an toàn.

Trung Sơn

vnexpress.net

Xem thêm:

  1. Hệ thống xử lý nước thải 3 triệu USD.
  2. Hệ thống cấp thoát nước.
  3. Thi công cấp thoát nước.
  4. Làm mát nhà xưỡng bằng hơi nước.
  5. Những nguồn năng lượng mới.


@Copyright 2024 Cơ Điện Lạnh Tuổi Trẻ (YOCO M&E)